Binh địch vận Nhiệm vụ, chiến công thầm lặng

0

Năm ấy cụ Thời đã 80 tuổi, nhưng còn khá khỏe mạnh và minh mẫn. Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở số 32, ngách 15, đường Cao Thắng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh, cụ vui vẻ kể về những nhiệm vụ và chiến công thầm lặng của công tác binh địch vận.

Cụ sinh năm 1922 tại Sài Gòn, bắt đầu hoạt động cách mạng tại Hóc Môn – Bà Điểm trong khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1941. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nam Bộ bắt đầu kháng chiến, cụ vào bộ đội chiến đấu, từng bước phát triển lên đến Chính ủy Trung đoàn. Năm 1954 tập kết ra Bắc, đến năm 1960 cụ được bổ nhiệm là Cục trưởng Cục Địch vận, kiêm Vụ trưởng Vụ Binh vận – Ban Thống nhất Trung ương.

Về công tác binh địch vận thời kì này, cụ nhớ lại: Từ Nghị quyết Trung ương 15, khóa 2 và Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 31/01/1961 đều xác định: “Phải nắm vững công tác binh địch vận, coi công tác binh địch vận là một cuộc vận động cách mạng của quần chúng”. Vì vậy, nhiệm vụ của Cục rất nặng nề, làm sao phải tham mưu đúng để Trung ương chỉ đạo trúng những vấn đề chiến lược, sách lược trong công tác binh địch vận ở miền Nam. Theo cụ, công tác binh địch vận có các nội dung rất quan trọng là nghiên cứu địch, tuyên truyền vận động binh sĩ địch và công tác tù hàng binh.

1. Thiếu tướng Võ Văn Thời (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ tổ công tác của Cục dân vận - Tuyên trền đặc biệt năm 2001 - Copy
Thiếu tướng Võ Văn Thời (thứ 2 từ trái sang) gặp gỡ tổ công tác của Cục dân vận – Tuyên trền đặc biệt năm 2001

Để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu địch, ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, Cục lựa chọn, đưa hàng loạt cán bộ “tập kết ngược” vào miền Nam, cùng cán bộ “nằm vùng” ở các địa phương bám nắm tình hình, xây dựng cơ sở nội tuyến binh địch vận trong lòng địch. Riêng cụ khi đảm nhiệm cương vị Cục trưởng cũng không ít lần vào chiến trường. Cụ bảo: “Nếu không vào đó thì dù trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng không hiểu hết được tình hình. Ví dụ, tại sao lại đề ra sách lược coi “gia đình binh sĩ ngụy là gia đình đau khổ”, đề ra khẩu hiệu “súng Mỹ, lòng ta”… để từ đó rút ra điều cốt tử “Thực chất của công tác binh địch vận là công tác dân vận”. Trong thực tế, Nhân dân miền Nam có hàng triệu gia đình chịu cảnh li tán, éo le như cha anh đi kháng chiến, theo cách mạng, con em lại cầm súng chống lại Tổ quốc. Vì vậy, công tác binh địch vận không chỉ diễn ra trong chiến đấu ở chiến trường mà còn diễn ra ngay trong từng gia đình binh sĩ ngụy. Từ thực tế đó, Cục đã nghiên cứu, nắm lai lịch nhiều sĩ quan ngụy từ cấp thiếu tá trở lên và điều động, bố trí cán bộ ta là thân nhân của họ tìm cách tiếp xúc, vận động họ làm nhân mối, cơ sở cho ta. Trong số này có Dương Thành Nhật, là sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam được cử vào Sài Gòn tiếp xúc vận động anh ruột là đại tướng Dương Văn Minh. Sau này, khi ông Dương Văn Minh lên làm Tổng thống Việt Nam cộng hòa, đã có những hành động thức thời, hạ lệnh cho quân đội Sài Gòn đầu hàng không điều kiện, hạn chế đổ máu cho cả 2 bên.

Trong quá trình hoạt động trong lòng kẻ thù, kể cả việc chui vào hàng ngũ địch để “luồn sâu, leo cao”, xây dựng cơ sở nội tuyến binh địch vận, 3 cán bộ của Cục là liệt sĩ Trần Bá, Trung tá Nguyễn Trọng Tâm và Thiếu tá Hoàng Thị Nghị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tuy nhiên, đã có hàng chục cán bộ của Cục hi sinh, nhiều đồng chí bị địch bắt tra tấn, giam cầm và thủ tiêu tại các nhà tù khét tiếng như Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, Phú Quốc, Côn Đảo…

Một số truyền đơn, lịch bướm binh địch vận qua các thời kì kháng chiến của Cục Địch vận
Một số truyền đơn, lịch bướm binh địch vận qua các thời kì kháng chiến của Cục Địch vận

Trên các chiến trường, công tác binh địch vận trong tác chiến được bộ đội ta vận dụng hiệu quả. Điển hình là trận bao vây, bức hàng trung đoàn 56, sư đoàn 3 ngụy tại căn cứ 241 Tân Lâm, Quảng Trị, khiến 2 trung tá trung đoàn trưởng và trung đoàn phó ngụy là Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong dẫn cả trung đoàn ra hàng. Ngay sau đó, những sĩ quan, binh sĩ của trung đoàn này, ai có nguyện vọng đều được giữ nguyên quân hàm và giao việc phù hợp trong hàng ngũ quân giải phóng. 2 vị trung tá Phạm Văn Đính và Vĩnh Phong sau này được phong quân hàm thượng tá Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Khi Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và quân các nước chư hầu vào miền Nam, Cục đã cử nhiều cán bộ biết tiếng Anh, tiếng Triều Tiên vào chiến trường nghiên cứu và xây dựng chương trình phát thanh Mỹ vận, Triều vận (Nam Triều Tiên) trên hệ thống đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và đài Giải phóng. Trong các chương trình này, nổi bật có phát thanh viên Thu Hương, tên thật là Trịnh Thị Ngọ, có giọng đọc tiếng Anh chuẩn xác, ngọt ngào được lính Mỹ rất thích và gọi là “Ha Na – Thu Hương”. Sức thuyết phục của các chương trình phát thanh Mỹ vận với giọng đọc Ha Na mạnh đến mức tờ báo “Sao và vạch” của quân đội Mỹ phải nhiều lần viết bài khuyên binh sĩ Mỹ “đừng nghe con mụ phù thủy Ha Na”.

Sau Hiệp định Pari về Việt Nam, Cục Địch vận tiếp tục nghiên cứu công tác binh địch vận thông qua tiếp xúc công khai với binh lính địch ở các khu vực tiếp giáp. Trong một lần vào chiến trường B5, cụ trực tiếp gặp một thiếu tá ngụy tại điểm chốt ở Quảng Trị. Khi biết cụ cùng quê Sài Gòn, viên thiếu tá này bớt nghi ngại, căng thẳng. Nhân đó, cụ trao đổi những vấn đề của Hiệp định Pari, tinh thần hòa hợp dân tộc, không dùng vũ lực lấn chiếm đất đai của hai bên… Viên thiếu tá không phản ứng gì, nhưng có lẽ anh ta nhận thức được tình thế của quân ngụy lúc đó và tỏ ra ôn hòa, cởi mở hơn.

Khi về Cục, cụ nghe Quân khu Trị Thiên báo cáo, tình hình lấn chiếm của địch ở Quảng Trị rất hạn chế. Có thể do lực lượng của ta ở đó rất mạnh, nhưng một phần do ta làm tốt công tác binh địch vận. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 1973, bộ đội ta đã tiếp xúc với gần 3 vạn lượt binh sĩ địch ở 47 điểm, trao cho họ 1.240 văn bản Hiệp định, 1.400 bản tuyên bố chung, 3.000 lịch bướm, hơn 3.000 thư chúc tết và 240kg truyền đơn…

Đối với công tác tù hàng binh, cụ cho biết, Cục có nhiều kinh nghiệm quản lí, khai thác, sử dụng tù hàng binh trong kháng chiến chống Pháp, nên bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ được vận dụng thực hiện nhuần nhuyễn. Từ năm 1954 – 1975, Cục tham mưu cho trên nhiều chính sách quan trọng đối với tù hàng binh, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan quản lí, khai thác, phóng thích, trao trả hàng trăm tù binh Mỹ và chư hầu, hàng nghìn tù hàng binh ngụy. Đặc biệt, sau giải phóng miền Nam, Cục phối hợp với các địa phương, đơn vị vận động hàng triệu ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện, tổ chức phân loại và xử lí phù hợp với quan điểm, chính sách của Đảng…

Với những thành tích thầm lặng nhưng đặc biệt xuất sắc đó, ngày 10/4/2001, Cục Địch vận được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân trong thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bây giờ, Thiếu tướng Võ Văn Thời, người giữ trọng trách Cục trưởng lâu năm nhất của Cục Địch vận trong suốt giai đoạn đầy cam go thử thách của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã ra đi do tuổi cao, sức yếu. Song, hình ảnh và tấm gương công tác của cụ vẫn còn sống mãi với lớp hậu sinh chúng tôi.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.