Mức giảm trừ gia cảnh người lao động quá thấp
“Ai cầm tiền đi chợ thời gian này sẽ thấy, giá cả nhiều mặt hàng liên tiếp thiết lập mặt bằng mới trong một thời gian rất nhanh. Và không ngạc nhiên nếu ai đó nói rằng: “Sống ở thành thị, cứ bước ra khỏi nhà là “mất tiền”, bởi mọi thứ đều phải mua bán, trong khi giá xăng dầu, thực phẩm, chi phí vận chuyển đều tăng cao” – chị Trần Thị Phương (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) ví von.
“So với những năm trước, thu nhập của tôi gần như không tăng trong khi chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, giá cả leo thang. Chính vì vậy, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành dành cho người lao động là 11 triệu đồng một tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng một tháng, áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền là không hợp lý với người dân sống ở thành thị”, chị Phương nói thêm.
Nhiều người cho rằng mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc quá ít. Ảnh minh hoạ: Vũ Tuấn |
Trao đổi với Lao Động, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/tháng cho người phụ thuộc là không phù hợp và quá ít.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, lương của người lao động được phân chia rất cụ thể, thành 4 vùng khác, với mức chênh lệch khá tương đối; giả thiết là với cùng một mức thu nhập nhưng ở các địa bàn khác nhau thì mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc cũng nên khác nhau.
“Ở vùng sâu vùng xa, mức giảm trừ gia cảnh với người lao động là 11 triệu, người phụ thuộc là 4,4 triệu, tôi cho rằng rất dư giả, nhưng ở vùng thành thị – nơi có mức sống cao, mọi thứ đều đắt đỏ thì mức giảm trừ gia cảnh như vậy là không đủ sống”, ông Đức cho hay.
Bộ Tài chính nói gì?
Trả lời về vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… Số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế thu nhập cá nhân.
Ngày 2.6.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 954 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng và áp dụng ngay từ kỳ tính thuế năm 2020.
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân nêu trên đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế, số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo Bộ Tài chính, với quy định mới này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Ví dụ, cá nhân có thu nhập dưới 100 triệu đồng/tháng, theo quy định hiện hành, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp so với thu nhập cũng chưa đến 20%, cụ thể: cá nhân có thu nhập 40 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 6,61%/thu nhập; thu nhập 60 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 11,86%/thu nhập; thu nhập 80 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 15,74%/thu nhập; thu nhập 100 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 18,66%/thu nhập.
Đối với cá nhân có thu nhập ở mức cao trên 100 triệu đồng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp mới ở tỉ lệ cao hơn 20%/thu nhập, cụ thể: cá nhân có thu nhập 110 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 20,15%/thu nhập; thu nhập 150 triệu đồng/tháng thì số thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 24,11%/thu nhập…
“Việc tính toán này với giả định cá nhân có 1 người phụ thuộc, trường hợp cá nhân có nhiều hơn 1 người phụ thuộc thì số thuế phải nộp cũng thấp hơn tương ứng”, Bộ Tài chính cho hay.