Giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ở Kiên Giang

0

Chúng tôi đến ấp Ba Trại, xã Bình An, huyện Kiên Lương để tìm hiểu về nghề truyền thống làm đường thốt nốt. Nghề làm đường thốt nốt ở ấp Ba Trại có lịch sử mấy chục năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, nghề này đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Nghề làm đường thốt nốt vất vả, cần sự kiên trì nên không phải ai cũng làm được. Giữa trưa nắng, ông Danh Phal, 63 tuổi, ở ấp Ba Trại thoăn thoắt trèo lên cây thốt nốt hứng mật hoa. Để có nguyên liệu nấu đường thốt nốt, hằng ngày ông Phal phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp rồi trèo lên cây hứng mật.

Công đoạn nấu đường cần sự kiên trì. Mỗi lần lấy nước xong, trong 24 giờ phải thắng đường nếu không mật bị chua. Ông đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu khoảng 4 giờ mới thành đường thốt nốt.

Bà Trần Thị San, ngụ khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên những chiếc lò đất vừa làm xong.
Bà Trần Thị San, ngụ khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) bên những chiếc lò đất vừa làm xong.

Mỗi ngày vợ chồng ông Phal nấu 10kg đường thốt nốt bán giá 50.000 đồng/kg. “Trước đây, cứ đến mùa thốt nốt là nhộn nhịp tiếng người đi lấy mật hoa thốt nốt. Mùi đường thốt nốt thơm lừng khắp nơi, giờ không còn cảnh đó nữa, người làm đường thốt nốt ngày càng ít. Sau này không biết còn ai nối nghiệp làm đường thốt nốt không bởi nghề này cực lắm, phải yêu nghề mới làm được”, ông Phal cho biết.

Tại các nơi có nghề truyền thống hầu như rất ít người trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là người trung niên và cao tuổi. Hiện ở ấp Ba Trại chỉ còn 6 người giữ nghề, đa phần lớn tuổi.

Bà Thị Nol, 60 tuổi, ở xã Bình An, có 40 năm làm nghề đường thốt nốt chia sẻ: “Việc tìm người kế thừa nghề làm đường thốt nốt rất khó vì hiện có nhiều ngành, nghề thu nhập tốt, môi trường làm việc năng động, hiện đại nên giới trẻ đam mê, theo đuổi. Con tôi không thích nghề này. Tôn trọng lựa chọn của con, nhưng tôi vẫn trăn trở về người sẽ nối nghiệp gia đình, giữ hồn cho nghề làm đường thốt nốt. Tôi lo khi chúng tôi già không biết ai sẽ nối nghề”.

Thu nhập từ nghề truyền thống không cao nên khó thu hút lao động trẻ. Một số nghề phát triển sau khi được công nhận nhưng cũng khó tìm được lao động trẻ.

Hiện huyện Vĩnh Thuận có 2 làng nghề là đan ghế bằng dây nhựa và đan lục bình ở ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông và 4 nghề truyền thống gồm đan đát tre, trúc ở xã Vĩnh Thuận, sản xuất tương hột và chao xã Vĩnh Phong, sản xuất bún ở thị trấn Vĩnh Thuận, làm kẹo chuối ở xã Vĩnh Thuận; trong đó nghề đan lát tre, trúc đang bị mai một do số người làm nghề ngày càng ít với khoảng 54 người.

Nghề làm đường thốt nốt
Nghề làm đường thốt nốt

Nhiều người không mặn mà với nghề đan lát thủ công nên khó khăn trong việc tập hợp lực lượng lao động làm nghề, đa số tự phát. Huyện thành lập tổ hợp tác đan lát, tuy nhiên quy mô nhỏ, từ đó chưa tập hợp được lượng lớn sản phẩm để kí hợp đồng với đối tác.

Khu phố Đầu Doi, thị trấn Hòn Đất, huyện Hòn Đất từng nổi tiếng với nghề nắn nồi đất, với cảnh nhà nhà sản xuất, tấp nập bán mua các sản phẩm nồi đất. Trước đây cả khu phố Đầu Doi có khoảng trăm hộ làm nghề, nay chỉ còn 18 hộ với 50 lao động.

Gặp gỡ, trao đổi với những người có thâm niên làm nghề nắn nồi đất ở khu phố Đầu Doi, chúng tôi cảm nhận được sự tiếc nuối hằn sâu trên từng khuôn mặt. Có người không còn làm nghề nhưng vẫn lưu giữ công cụ làm nghề trong nhà.

Bà Trần Thị San, 61 tuổi, ở khu phố Đầu Doi có hơn 20 năm làm nghề nắn nồi đất chia sẻ: “Hiện nhân lực trẻ của khu phố đang thoát li dần với nghề nắn nồi đất. Việc phát triển nghề, thu hút lao động gặp khó khăn do làm nghề truyền thống thu nhập thấp, không bảo đảm cuộc sống của người dân”.

Nhiều người cả đời gắn bó với nghề truyền thống luôn trăn trở làm sao để nghề phát triển, nhưng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mong muốn này trở nên khó khăn hơn khi làng nghề, nghề truyền thống đứng trước hàng loạt thách thức tìm thị trường tiêu thụ.

Bà Võ Thị Ngọc Ảnh, 63 tuổi, chủ cơ sở sản xuất tương, chao Thanh Hương, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận có hơn 40 năm làm nghề tương hột và chao cho biết: “Chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm tương, chao. Cơ sở của tôi phân phối tương, chao cho các tiệm tạp hóa trong huyện Vĩnh Thuận, chủ yếu ở xã Phong Đông và thị trấn Vĩnh Thuận chứ chưa mở rộng thị trường, đưa sản phẩm đi các tỉnh với các đơn hàng lớn, ổn định”.

Tình trạng khan hiếm nguyên liệu cũng là khó khăn chung của những người làm nghề truyền thống như nồi đất, đường thốt nốt, tôm khô…

Phần lớn các nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống ở tỉnh Kiên Giang hiện có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa trở thành các sản phẩm hàng hóa, chưa có thị trường ổn định. Hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là sản xuất tại các hộ gia đình quy mô nhỏ. Quá trình sản xuất, kinh doanh phụ thuộc vào mùa vụ, trình độ lao động còn thấp, chủ yếu dựa vào cha truyền con nối. Các cơ sở sản xuất, làng nghề thiếu đội ngũ lao động tay nghề giỏi, kĩ năng nghề cao. Công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa chưa được quan tâm ở các nghề và làng nghề truyền thống…



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.