Hệ sinh thái Sovico phát hành hơn 55.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong 4 năm qua

0

Theo Báo cáo Thị trường Trái phiếu Việt Nam Quý I/2022, Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 40,2% tổng giá trị phát hành, tương đương 15.860 tỷ đồng , Tài chính – Ngân hàng xếp ở vị trí thứ 3 với tỷ trọng 18,8% tổng giá trị phát hành, tương đương 7.403 tỷ đồng, giảm mạnh 92,0% so với quý trước, nhưng vẫn tăng mạnh 68,1% so với cùng kỳ. Qua số liệu trên có thể thấy, “sân chơi” trái phiếu vẫn tập trung chủ yếu của các tập đoàn bất động sản và các tổ chức tín dụng.

Trong số đó, cũng phải kể đến Công ty CP Tập đoàn Sovico (SVC Group) khi doanh nghiệp này đã rất tích cực huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong 4 năm qua. Tuy nhiên, nhiều đợt phát hành trái phiếu theo loại hình không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, được tư vấn phát hành bởi Công ty CP chứng khoán HDB – một công ty thuộc hệ sinh thái SVC Group.

Sovico là tập đoàn đa ngành do ông Nguyễn Thanh Hùng (Chủ tịch sáng lập) và vợ là tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo (bà Thảo là Chủ tịch HĐQT). Hệ sinh thái Sovico có các công ty thành viên kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, xăng dầu, hàng không, bất động sản nghỉ dưỡng, năng lượng, giáo dục.

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Sovico và các đơn vị liên quan đã phát hành 23.100 tỷ đồng trái phiếu (không kể HDBank), tập trung ở Vietjet 10.000 tỷ đồng, CTCP Tập đoàn Sovico (8.000 tỷ đồng), CTCP BĐS Dragon Village (2.800 tỷ), Công ty Liên doanh TNHH Phát triển ĐTM An Khánh (2.000 tỷ đồng), CTCP Đầu tư & Xây dựng Kiên Trung (300 tỷ).

Sovico là cổ đông sáng lập của hãng Hàng không Vietjet Air, hãng bay có thị phần xếp thứ hai, chỉ sau Vietnam Airlines. Giai đoạn 2017-2021, thị phần của Vietjet dao động từ 32,2% – 42,6%. Quý I/2022, hãng bay này đạt 4.522 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 244 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và là mức cao nhất 5 quý gần đây.

Cụ thể, hồi giữa tháng 2/2022, Vietjet (VJC) thông báo kết quả chào bán 3.000 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức trong nước với kỳ hạn 36 tháng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, trả lãi 6 tháng/lần với lãi suất thực tế được tính 9,5%/năm.

Trước đó, Vietjet đã 6 lần huy động vốn thông qua kênh trái phiếu với tổng giá trị 7.000 tỷ đồng và kỳ hạn 36 hoặc 60 tháng. Hãng hàng không này đã huy động tổng cộng 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng một năm qua. Được biết, tổng số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định, thiết bị, công cụ dụng cụ nhằm tăng cường năng lực khai thác vận tải hàng không và phát triển các hoạt động kinh doanh khác phù hợp với ngành nghề kinh doanh của Vietjet.

Hãng Hàng không Vietjet. Ảnh: Vietjet
Hãng Hàng không Vietjet. Ảnh: Vietjet

Tính đến cuối tháng 11/2021, CTCP Tập đoàn Sovico đã phát hành tổng cộng 8.000 tỷ đồng trái phiếu kể từ đầu năm. Mục đích phát hành đều nhằm thực hiện tài trợ vốn cho các dự án, chương trình đầu tư và tăng quy mô vốn hoạt động. Chứng khoán HDB (HDBS) là đơn vị sắp xếp cho thương vụ này.

Tính đến tháng 11/2021, Dragon Village đã phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu tín chấp (không tài sản đảm bảo) với tổng số vốn thu được là 2.000 tỷ đồng. Trong đó chỉ trong vòng tháng 10, doanh nghiệp này đã huy động 1.500 tỷ đồng để rót vào dự án Khu đô thị Rose Valley.

Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Kiên Trung cũng phát hành thành công 3.000 trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi và không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất phát hành thực tế là 11%. Số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được Xây dựng Kiên Trung thực hiện các chương trình, dự án đầu tư để tăng quy mô vốn hoạt động của công ty.

Giai đoạn 2019-2020, Sovico cũng là tập đoàn hoạt động tích cực bậc nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, với khoảng 150 đợt phát hành được tiến hành bởi CTCP Sovico và chủ yếu là CTCP Tập đoàn Sovico, với tổng giá trị lên tới 26.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có Vietjet khoảng 1.250 tỷ đồng, CTCP Địa ốc Phú Long cũng phát hành lượng trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng.

Đáng chú ý, Công ty CP Sovico (Sovico Holdings) từ ngày 31/10/2018 đến 28/12/2018 phát hành trái phiếu kỳ hạn ba năm với tổng giá trị phát hành 3.000 tỷ đồng. Tại thời điểm này, vốn điều lệ của công ty là 7.000 tỷ đồng.

Đến tháng 6/2019, Đại hội đồng cổ đông Sovico Holdings đã thông qua Nghị quyết tái cơ cấu hoạt động chia tách tập đoàn để thành lập thêm ba công ty khác. Theo đó, Sovico Holdings còn vốn điều lệ 2.673 tỷ đồng. Phần vốn của tách ra thành lập ba công ty mới gồm CTCP Bất động sản Sovico (vốn điều lệ 4.284 tỷ đồng), CTCP Năng lượng Sovico (vốn điều lệ 10 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Sovico (vốn điều lệ 33 tỷ đồng).

Sovico Holdings cũng chuyển các tài sản như cổ phần tại CTCP Bất động sản Sài Gòn Vina, CTCP Địa ốc Phú Long, CTCP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai, CTCP Xuất nhập khẩu Nhà Bè, CTCP đầu tư Bắc Hà, phần vốn góp tại Công ty TNHH Sovico Khánh Hòa, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam, Trường đại học Hòa Bình… về 3 công ty mới thành lập.

Tính đến hết năm 2021, Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh – HDBank (SVC là cổ đông lớn nhất) còn 35 lô trái phiếu, trong đó có ba lô phát hành bằng USD, tổng giá trị 190 triệu USD và 32 lô phát hành bằng VND, tổng giá trị 19.330 tỷ đồng.

Như vậy, có hơn 55.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được hệ sinh thái Sovico phát hành trong 4 năm qua. Nếu tính thêm HDBank thì tổng cộng giá trị trái phiếu hiện đang lưu hành là 190 triệu USD và 74.500 tỷ đồng.

Ở lĩnh vực bất động sản, bất động sản nghỉ dưỡng là lĩnh vực mang tới nhiều danh tiếng hơn cả cho Sovico, với loạt dự án lớn ở ven biển Nam Trung bộ và Phú Quốc, là Furama Resort Danang, Furama Villas Danang, Evason Ana Mandara Nha Trang, L’ALYA Ninh Van Bay,…Cũng được biết, Sovico thông qua CTCP Phú Long tập trung ở 2 thành phố lớn nhất cả nước gồm Dragon Village, Dragon City, Republic Plaza ở TP.HCM, dự án Splendora, Rose Valley, Republic Mỹ Đình. Ngoài ra, ở Nha Trang, tập đoàn này có dự án Shangri La Hill. Ở Đồng Nai, Sovico vừa qua cũng đã mua lại dự án Swanbay từ nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn thế nữa, Sovico thông qua nhiều thành viên trong tập đoàn, cũng từng sở hữu một lượng lớn cổ phần các ngân hàng khác, đơn cử, thông qua Quỹ đầu tư chứng khoán Liên minh Việt Nam, vào đầu năm 2017 sở hữu 15 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, 32,2 triệu cổ phiếu ACB hay đáng chú ý, là 34 triệu cổ phiếu Eximbank. Tập đoàn này hiện cũng là cổ đông chiến lược, thông qua Vietjet Air sở hữu gần 5% cổ phần Tổng Công ty Dầu (PVOil). Thời gian vừa qua, Sovico cũng tích cực tiềm kiếm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo trên cả nước.

Hệ sinh thái Sovico - Vietjet phát hành trái phiếu khủng
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sovico

Cũng không thể phủ nhận trái phiếu là kênh dẫn vốn hiệu quả dành cho doanh nghiệp, giúp giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng nhưng sự phát triển “nóng” của thị trường trái phiếu thời gian qua cũng phát sinh nhiều hệ lụy. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.

Tại tọa đàm “Nhận định cơ hội đầu tư chứng khoán năm 2022” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 15/3, khi đề cập đến tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh doanh cho biết, qua thống kê, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có yếu tố đầu cơ cao như bất động sản.

Các ngân hàng cũng là đối tượng phát hành nhiều trái phiếu, song mục đích chính là bổ sung vốn cấp 2, để có thêm nhiều cơ hội cho vay. Theo vị chuyên gia này, dòng tín dụng của ngân hàng đang tập trung vào các “sân trước, sân sau”, mà chủ yếu là doanh nghiệp bất động sản. Con số các ngân hàng cho vay ở các tập đoàn “sân sau” lớn đến mức đáng báo động và chưa từng có trong lịch sử ở Việt Nam. Tuy nhiên, các con số công bố chính thức vẫn đúng theo Luật của các tổ chức tín dụng và đây là điều rất đáng lo ngại.

Hàng không quốc tế nối lại lịch bay tới Việt Nam ra sao? Hàng không quốc tế nối lại lịch bay tới Việt Nam ra sao?

Ngày 21/9, Việt Nam đưa ra và thông báo kế hoạch tần suất khai thác chuyến bay chở khách tới nước ta nhưng dựa phải …

Ưu đãi 50% giá phòng Vinpearl khi bay Vietjet Air Ưu đãi 50% giá phòng Vinpearl khi bay Vietjet Air

Chào mừng ngày Quốc Khánh 02/09, Vinpearl cùng Vietjet Air mang đến chương trình “Ưu đãi có đôi – Đặt chuyến đi thôi” với khuyến …

Điểm những sự cố của Vietjet Air khiến hành khách Điểm những sự cố của Vietjet Air khiến hành khách “khiếp vía”

Sự cố hai máy bay của hãng hàng không Vietjet Air va nhau tại sân bay Nội Bài hôm 27/11 vừa qua không phải là …



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.