Một quyết định khó khăn trong đời binh nghiệp

0

Từ đó cho đến nay, tôi nhiều lần được gặp ông, lần nào ông cũng để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp, sự tiếp đón niềm nở, tự nhiên, đậm chất người lính. Ông luôn xưng “mình – bạn” với tôi. Và lần này cũng vậy, trong cái gió đầu Hè phóng khoáng của Tuy Hòa, hai chú cháu chúng tôi hàn huyên suốt cả buổi chiều.

Tôi hỏi: “Trong cuộc đời quân ngũ nhiều chiến công, lắm gian khổ, chắc chú có nhiều kỉ niệm không thể nào quên?” Ông trả lời: “Kỉ niệm thì nhiều nhưng kỉ niệm khắc cốt, ghi xương thì không nhiều lắm. Trong mình ấn tượng và nhớ lâu nhất đó là lần phải phá “Tàu 41”.

Ngừng một lát, ông kể: “Mình tham gia Đoàn “Tàu không số” chi viện chiến trường miền Nam nhiều chuyến, trong đó có 12 chuyến làm Thuyền trưởng. Ba chuyến đầu, mình chỉ huy tàu vào Vũng Rô, Phú Yên thành công. Chuyến thứ nhất, đêm 28/11/1964, chuyến hai đêm 25/12/1964 và chuyến ba đêm 1/2/1965. Sau khi địch phát hiện tàu ta vào Vũng Rô, nên phải chuyển hướng đưa tàu vào Quảng Ngãi.

Anh hùng llvtND Hồ Đắc Thạnh áo trắng nhận hoa trong một lần nói chuyện với tuổi trẻ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên
Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh áo trắng nhận hoa trong một lần nói chuyện với tuổi trẻ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Phú Yên

Đêm 27/11/1966, mình chỉ huy Tàu 41 đến xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là vùng bãi ngang không có bến đậu. Theo kế hoạch, bọn mình thả hàng xuống biển sẽ có lực lượng vớt, nhận. Vừa cho hàng xuống hết thì tàu hỏng chân vịt. Sóng lớn, loay hoay mãi nên bị địch phát hiện, bao vây rất chặt. Trên trời máy bay, trên biển tàu chiến giặc hòng bắt sống thủy thủ ta. Mình hội ý với Chính trị viên, Bí thư chi bộ quyết định phá tàu. “Mình xin nói với bạn, đây là quyết định hết sức khó khăn, biện pháp cuối cùng đối với một thuyền trưởng”, ông nhấn mạnh. Sau khi chỉ huy anh em bơi vào bờ, mình và máy trưởng Phạm Nhạn cài thuốc nổ, bơi vào sau cùng. Bố trí xong, mình và máy trưởng bơi được 30 phút, khối thuốc 1 tấn phát nổ long trời, mình bị sóng đánh dạt vào bãi dương. Thuyền phó Dương Văn Lộc và thủy thủ Trần Văn Nhợ hi sinh, còn 18 thủy thủ còn sống, được Nhân dân giấu vào hầm bí mật. Mình bàn với lãnh đạo địa phương bố trí cho các thủy thủ vượt Trường Sơn ra miền Bắc.

Điểm xuất phát của anh em mình là Trạm Giá Vụt (Quảng Ngãi), thuộc đường dây 559. Trải qua gần 100 ngày lội rừng, băng suối, vượt qua bom đạn địch, đến đầu tháng 2/1967, bọn mình mới đến Quân y viện 112 (tỉnh Quảng Bình). Nói thì đơn giản như vậy nhưng để hành quân bộ vượt Trường Sơn bọn mình đã trải qua muôn vàn cam go, ác liệt. Hành quân bộ với lính bộ binh đã gian lao, vất vả thì với lính thủy như bọn mình, sự vất vả càng lớn hơn nhiều, vì hành quân bộ là “sở đoản” của lính thủy. Suất ăn mỗi ngày bình quân hai người chỉ được một lon gạo và nhúm muối, sống chủ yếu nhờ rau rừng và ngô sắn, củ chuối của dân cho. Lính biển không quen hành quân bộ, dép nhựa đứt hết quai, không đèn pin, không dầu chống muỗi, chống vắt… Ông cười: “Đúng là chưa quen cung ngựa mà lại đến trường nhung”. Sốt rét, vết thương tái phát, quần áo rách tả tơi, lạc đường, vắt, muỗi, rệp hoành hành, bom đạn cày xéo liên tục. Có những lúc mình nghĩ “bộ đội đi bằng đầu”, đi bằng ý chí chứ không phải đi bằng chân. Về đến Quân y viện 112, bọn mình xuống sức trầm trọng, nhưng chỉ máy trưởng Phạm Nhạn vết thương tái phát quá nặng phải ở lại điều trị, còn 17 thủy thủ lên xe ra Hà Nội…

Tàu 41, sau này được đổi tên thành 641, rồi 671, được công nhận là “Bảo vật quốc gia”. Đó là con tàu mình làm Thuyền trưởng nhiều năm. Trên con Tàu 41 có 8 cá nhân (hiện 3 người còn sống) được tuyên dương là Anh hùng LLVTND và 2 lần Tàu 41 được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND.

Ông ngừng kể. Tôi ngồi lặng yên nhìn ông lau nước mắt, lòng vừa cảm phục, vừa kính trọng. Thấy mình thật nhỏ bé so với những gì mà ông, đồng đội ông đã hi sinh vì đất nước.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.