Người truyền cảm hứng cho con cháu

0

Từ những câu chuyện bà kể

Nhiều khi, bà tôi dành cả ngày để kể chuyện. Không phải chỉ cho chúng tôi nghe mà cho cả ông nội nghe. Từ những câu chuyện của chính mình, bà đã làm bừng lên hạnh phúc và niềm tin yêu cuộc sống trong ngôi nhà của mình.

20 năm trong thời chiến, có một tình yêu chỉ hiện lên trong lòng và nỗi nhớ. Lửa của khát vọng tự do, hòa cùng lửa của trái tim, trở thành nhiệt huyết, thành sức mạnh. Rồi từ đó trong lòng tôi dâng trào cảm xúc biết ơn thế hệ cha anh không tiếc xương máu, rồi còn bao xa cách họ phải nén lòng quên đi để dân tộc ta có được ngày hôm nay. Bà nội tôi là một trong những người như thế. Bà là Trần Thị Điểm (tên thời kháng chiến là Trần Thị Thủy Ngân), nguyên Trưởng ngành Giáo dục huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.

Bà tôi từng bị bắt, bi tra tấn chết đi sống lại. Bây giờ, bà vẫn còn nhớ như in những kí ức của tháng ngày đấu tranh gian khổ nhưng lòng yêu nước là thứ vẫn luôn được giữ vững.

Người truyền cảm hứng cho con cháu

Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà có thể gói gọn trong những từ “gian khổ” và “xa cách”. Bà hoạt động gian khổ thì cũng như những chiến sĩ khác thôi, bà xa cách chồng gần hai mươi năm thì cũng có nhiều người như vậy, điều đáng nói là đến bây giờ bà vẫn nhắc lại những kỉ niệm đó cho con cháu và dùng tinh thần cách mạng của mình để giáo dục con cháu, truyền lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Khi đó, ông bà hoạt động ở hai đầu đất nước. Ông tập kết ra Bắc, còn bà hoạt động ở miền Nam. Ba tôi ở cùng bà một thời gian rồi sau đó bí mật ra Bắc. Là người phụ trách ngành giáo dục cách mạng ở Kiên Giang, bà Điểm đã dành gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần đấu tranh cách mạng cho chiến sĩ, người dân, làm suy yếu địch trên mặt trận tư tưởng. Những đóng góp của bà trên mặt trận ấy đã đóng góp vào thành công của cách mạng giải phóng miền Nam.

Những kỉ niệm vừa hào hùng, vừa hứng khởi cứ tuôn chảy mãi không thôi. Kí ức về thời chiến đã phai nhạt ít nhiều, nhưng cứ ai hỏi là bà lại nhớ những kỉ niệm của thời gian lao và anh dũng. Cũng có thể đó là trí nhớ tốt của người chuyên về công tác tuyền truyền và hậu cần.

Có lẽ, quãng đời chiến đấu của bà có kể nhiều ngày cũng không hết. Con cháu bà, những người sống trong gia đình, rồi họ hàng, bạn bè được chính những câu chuyện ấy dẫn dắt để trở thành người yêu nước, người hướng thiện, người sống và làm theo ý chí kiên cường không bỏ cuộc của bà. Kiên cường cũng là để gặp lại chồng con sau 20 năm xa cách.

Bà không kể nhiều về cảm xúc khi gặp lại người mình tin tưởng và yêu thương nhất. Tôi hỏi lí do tại sao, bà nói rằng lúc đó, lòng yêu nước phải được đặt lên trên tình cảm cá nhân. Bà bảo, chỉ cần tin tưởng vào người mình yêu. Phần bà, bà luôn tâm niệm phải cố gắng làm tròn bổn phận của một cán bộ, một đảng viên. Còn nhiệm vụ làm một người vợ thì đành bù sau vậy.

Cảm hứng vun đắp hằng ngày

Có thể nói, bản tính con người được hình thành và phát triển không chỉ ngày một ngày hai. Đến khi trưởng thành và cả sau khi đã trải qua một phần trong quãng đường đời, chúng tôi, những người con cháu của bà đã dần hiểu được là làm theo cách sống ấy.

Không phải cứ giàu có và nổi tiếng mới là thành công. Sống tốt cũng là thành công”. Bà vẫn thường nói với chúng tôi như vậy.

Bà trải lòng: “Như một thói quen thôi. Sống tốt với chính mình mỗi ngày”. Sáng nào bà cũng tập thể dục. Nhìn bà, chắc nhiều người không tin bà đã 90 tuổi, vì dáng vẻ nhanh nhẹn và vui tươi của bà. Bà hô “một, hai, ba…” rất dõng dạc. Động tác vung kiếm dứt khoát và mạnh mẽ không kém gì một nữ tướng. Bà luôn căn dặn chúng tôi phải chăm tập thể dục. Khi thấy tôi lười không tập, bà chỉ nói: “Lười tập thì khi về già khổ lắm, cháu xem, may mà bà chăm tập nên sức khỏe vẫn tốt thế này đấy”. Nhờ bà đôn đốc, nhắc nhở nên tôi đã hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên.

Bà tham gia Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, tổ chức sinh hoạt khu phố, tổ chức hội thơ, văn nghệ cho các cụ và các cháu thiếu nhi. Bà nói, sống và truyền cảm hứng cho nhiều người khác từ những việc làm giản dị chính là nét đẹp của con người.

Bà luôn đề cao sự hiếu thảo, lễ nghĩa gia đình: “Kính trên nhường dưới, toàn gia một lòng, giữ gìn hạnh phúc”. Nhờ có bà uốn nắn từ bé, anh em chúng tôi luôn hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Gia đình tôi có bốn thế hệ với chín người cùng chung sống trong một mái nhà. Tôi là con trưởng trong thế hệ thứ ba của gia đình. Sau hơn 50 năm, chúng tôi vẫn đoàn kết và hạnh phúc.

Tôi chưa phải là người thành công, nhưng chắc chắn tôi đang sống tốt, vì được một “cô giáo trường đời” như bà truyền cảm hứng cho tôi từ những điều giản dị nhất trong cuộc sống.

Bà nhờ tôi bắc ghế lấy tấm Huân chương Độc lập hạng Ba xuống lau chùi sạch sẽ. Có lẽ, danh hiệu đó không chỉ là sự tưởng thưởng với công lao của bà, mà còn nhắc chúng tôi không được quên những gì thế hệ trước khó khăn lắm mới có được để gia đình này đang sống như hiện nay. Và bây giờ tất cả đều được vun đắp, truyền cảm hứng từ những việc làm bình dị và nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.