Công tác trong ngành Điện ảnh, sau khi nghỉ hưu (năm 1983), ông Nhím trở về quê hương sinh sống. Từ đó đến nay, ông làm cán bộ thôn, Trưởng Ban giám sát công tác hòa giải. Năm 2018, ông đã được bà con tín nhiệm bầu là “Người có uy tín trong cộng đồng”. Trọng trách này yêu cầu ông luôn nắm rõ và thực hiện đúng vai trò của mình.
Ông Nhím không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế gia đình, mà còn thể hiện sự sáng tạo và tài năng trong việc chế tác nhạc cụ và tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo, phản ánh đời sống của người Cơ Tu. Đôi bàn tay khéo léo của ông đã tạo ra nhiều tác phẩm tuyệt đẹp, được ngành chức năng công nhận và tặng khen.
Ông Cơ Lâu Nhím thổi khèn truyền thống người Cơ Tu. |
Không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật, ông Nhím còn tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Ông đóng góp ý kiến vào việc xây dựng đường giao thông của thôn, khuyến khích loại bỏ các phong tục lạc hậu trong các nghi thức đám cưới và tang lễ, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc. Ông cũng tham gia giáo dục cộng đồng về việc ngăn ngừa hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời hỗ trợ duy trì an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Ông thường xuyên chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm kinh doanh với bà con trong thôn, huy động bà con chăn nuôi gia cầm để cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu làm giàu chính đáng. Ông cũng tham gia vào việc trồng rừng và bảo vệ môi trường, khuyến khích con cháu trong thôn đến trường để học tập hay không bỏ học giữa chừng.
Từ ngày tiếp nhận vai trò là Người uy tín, ông luôn nhận thức được việc tuyên truyền, vận động người dân, trước hết phải làm từ gia đình mình, ông quyết tâm làm kinh tế gia đình trước cho bà con thấy để làm theo. Mặc dù tuổi cao, ông vẫn trực tiếp sản xuất, chăn nuôi. Hiện vườn nhà ông có ao cá trắm cỏ và cá chép, 2ha cây quế, 4ha cây keo, và ông nuôi một số gia cầm, gà. Thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 100 triệu đồng.
Ông Nhím cho biết, những năm qua, các cấp, các ngành tại huyện Đông Giang đã tổ chức tập huấn phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con, đồng thời chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm về sản xuất, chăn nuôi; hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững cho bà con. Ngoài ra, ngành chức năng còn vận động xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa; xây dựng nông thôn mới.
Ông Nhím nói: “Những người có uy tín trên địa bàn được bồi dưỡng những kĩ năng thiết yếu, giúp họ hiểu rõ chủ trương và đường lối của Đảng, cũng như nắm vững các chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các chủ đề liên quan đến vấn đề dân tộc, tôn giáo, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo vệ môi trường, quốc phòng và an ninh, phòng chống tội phạm. Đồng thời, nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chống phá”.
Với những đóng góp thiết thực về kinh tế, văn hóa xã hội, xây dựng niềm tin và truyền cảm hứng cho nhiều gia đình trong thôn thoát khỏi cảnh nghèo đói, ông được chính quyền địa phương và con dân tộc Cơ tu công nhận là người có uy tín trong cộng đồng. Hàng năm, ông tham gia các hội nghị vinh danh, gặp gỡ các người uy tín tiêu biểu của huyện và tỉnh để giao lưu, chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm. Ông được UBND tỉnh Quảng Nam tặng Bằng khen.