Nhận diện và phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch

0

Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thực hiện nhiều hoạt động chống phá quyết liệt, đặc biệt là chiêu trò lợi dụng mạng xã hội để tung ra các luận điệu xuyên tạc về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử. Những bài viết, phỏng vấn trên các website, trang mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối, cơ hội chính trị điều hành; một số trang báo nước ngoài chứa đựng nội dung tiêu cực, thiếu chính xác về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tại nước ta. Chúng đưa ra luận điệu hết sức sai lệch và thâm hiểm như: Bầu cử chỉ là “màn kịch dân chủ” do Đảng đạo diễn, “Không thể có cuộc bầu cử dân chủ khi Đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc bầu cử”, v.v… Thực hiện chiêu trò “tự ứng cử”, hô hào các hội nhóm dân chủ trên mạng xã hội kí tên ảo, tung hô, ủng hộ cho các “nhà dân chủ” để gây rối, phá hoại cuộc bầu cử của chúng ta. Thông qua việc tự ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp các đối tượng đánh bóng tên tuổi của họ trong giới “dân chủ”. Những thông tin mà các đối tượng xấu đưa ra đã trở thành cái cớ cho các thế lực thù địch bên ngoài xuyên tạc, biến tướng, vu khống, công kích công tác bầu cử của chúng ta. Mặt khác, các đối tượng chống phá cũng ra sức xuyên tạc công tác tổ chức bầu cử, tung ra các kiến nghị vô căn cứ. Trên nhiều trang mạng xã hội đang lan truyền những bài viết “xếp ghế” cho nhân sự trong Quốc hội, HĐND các cấp. Các đối tượng rêu rao những luận điệu vô cùng độc hại, tiêu cực, cho rằng bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp chỉ là hình thức, quyền lực trong Quốc hội, HĐND đã được các “phe nhóm” của Đảng “an bài”, “thỏa hiệp”, “phân chia”. Những luận điệu này đã tiếp cận đến không ít người dùng mạng xã hội. Trước vấn đề về số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, đặc biệt là số lượng đại biểu là người ngoài Đảng, các đối tượng cơ hội chính trị cũng tích cực chọc ngoáy, xuyên tạc, biến tướng bản chất vấn đề.

Nhận diện và phòng chống âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch
Âm mưu phá hoại cuộc bầu cử của các thế lực thù địch.

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn các thông tin xấu độc, quan điểm sai trái, thù địch có lúc, có nơi còn bị động, thiếu sắc bén, tính chiến đấu chưa cao; công tác nắm bắt dư luận trước những sự kiện, tình huống bất ngờ còn chưa kịp thời” (1). Do vậy, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 thành công, thì ngay lúc này, việc nâng cao cảnh giác, nhận diện và chủ động đấu tranh, quyết liệt làm thất bại những thủ đoạn xuyên tạc, gây rối, bôi nhọ, phá hoại của các thế lực thù địch và các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị là điều rất cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

Như chúng ta đã biết, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam -… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” (2). Vì vậy, việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là đúng quy định của pháp luật. Đảng lãnh đạo bầu cử không phải là làm thay cho Nhà nước, không phải là bao biện như những luận điệu của các thế lực phản động vẫn đang cố gắng rêu rao, phủ nhận. Hơn nữa, thực tiễn cũng đã chỉ ra, Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là cơ sở quan trọng để bảo đảm sự thống nhất trong công tác bầu cử; góp phần lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kì mới, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lí đối với đội ngũ đại biểu; tạo nền tảng cho việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc Đảng lãnh đạo công tác bầu cử là điều cần thiết để củng cố, đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Pháp luật nước ta cũng quy định, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp. Quyền bầu cử và ứng cử là quyền của công dân, được Hiến pháp quy định. Không ai có quyền ngăn cản việc công dân thực hiện những quyền này. Chính vì vậy, người dân cần tỉnh táo trước chiêu trò tung tin sai sự thật, xuyên tạc. Các cơ quan chức năng cần kịp thời phát hiện, xử lí nghiêm các hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc bầu cử. Công khai kết quả xử lí trên báo chí truyền thông để tạo sức răn đe, giáo dục.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.