Vận hội mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy năng lực!

0

Ông Nguyễn Văn Thân cho biết: Phải nói rằng, ngay sau khi giành được độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy vai trò của giới công thương (nay là DNN&V) trong công cuộc kiến thiết đất nước. Chỉ sau hơn một tháng giành được chính quyền, ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư biểu dương tinh thần yêu nước của tổ chức Công thương cứu quốc đoàn, đã nhấn mạnh “Giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Việt Nam
TS Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNN&V Việt Nam

Từ nhận thức đó, vai trò của DNN&V đã được nghị quyết Đại hội Đảng các khóa xác lập là một bộ phận quan trọng cấu thành nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, trong 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn kiên định và nhất quán đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với nhiều hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, phương thức kinh doanh và phân phối. Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, Chính phủ đã có nhiều chính sách đồng bộ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật. Cùng với thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, ngày 3/6/2017, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Qua 3 năm thực hiện nghị quyết, kinh tế tư nhân đã có sự phát triển nhanh chóng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm và cải thiện an sinh xã hội, v.v… DNN&V là bộ phận quan trọng trong thành phần kinh tế tư nhân và chiếm tỉ lệ lớn trong cộng đồng DN Việt Nam. Hiện nay cả nước có khoảng 800.000 DNN&V, chiếm gần 98% tổng số DN, với tổng vốn đăng kí gần 140 tỉ USD. Hằng năm các DNN&V đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 30% và thu hút gần 60% lao động.

Đó là sự phát triển tích cực, mở ra diện mạo mới của nền kinh tế quốc dân theo định hướng của Đảng. Để tạo môi trường lành mạnh, hành lang pháp lí cho các DN, Chính phủ đã không ngừng triển khai các giải pháp đồng bộ, tạo động lực cho DN phát triển. Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư, Luật DN (sửa đổi), Luật Chuyển giao công nghệ, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Hỗ trợ DNN&V. Cùng với đó, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Phá sản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thuế thu nhập DN đã tác động tích cực tới cộng đồng DN.

Hằng năm, Chính phủ đã ban hành kịp thời các nghị quyết để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn mà các DNN&V đặt ra, như Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016, Nghị quyết số 75/NQ-CP, ngày 9/8/2017, Nghị quyết số 98/NQ-CP, ngày 3/10/2017, Nghị quyết số 19/NQ-CP, ngày 15/5/2018, Nghị quyết số số 39/NQ-CP, ngày 10/5/2019. Bên cạnh đó, nhằm tăng cường các chính sách hỗ trợ và phong trào khởi nghiệp, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 34/NĐ-CP ngày 8/3/2018, Nghị định 38/NĐ-CP ngày 11/3/2018.

Vận hội mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát huy năng lực!

Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại diện cho các DNN&V cả nước, Hiệp hội DNN&V Việt Nam đã có nhiều đề suất, tiếng nói trong các diễn đàn của Quốc hội, góp phần vào việc hoạch định các cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước nêu trên, đã tạo hành lang pháp lí cho các DNN&V có cơ hội phát triển.

Với sự tín nhiệm của Hiệp hội DNN&V Việt Nam giới thiệu tôi ứng cử Quốc hội khóa XV, nếu tái đắc cử, với tư cách là người đại diện cho các DNNVV cả nước trong các diễn đàn Quốc hội, tôi tiếp tục đề suất với Đảng và Nhà nước một số giải pháp tạo sự ổn định phát triển bền vững cho các DNNVV. Cụ thể như sau:

Một là: Đề xuất với Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống kinh doanh minh bạch, công bằng lành mạnh, tạo thuận lợi tối đa cho các DN khi tham gia vào thị trường trong và ngoài nước. Ban hành hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài đối với hoạt động của khu vực DNN&V. Hỗ trợ DNN&V bằng các giải đáp các vấn đề vướng mắc về luật pháp, đăng kí DN. Sớm hoàn thiện ban hành cơ chế chính sách phù hợp tạo hành lang pháp lí cho 5,2 triệu hộ sản xuất kinh doanh cá thể tham gia chuỗi giá trị kinh tế, trở thành vệ tinh cho các DN.

Hai là: Tiếp tục thực hiện cơ chế chính sách của Chính phủ trong việc cải cách mức thuế, cắt giảm các thủ tục đăng kí DN. Đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành giảm bớt các cuộc thanh, kiểm tra không cần thiết với DNN&V. Có cơ chế cắt giảm thuế thu nhập DN để hỗ trợ DNN&V tạo việc làm cho xã hội.

Ba là: Vận động các DNN&V phải nêu cao ý thức vươn lên, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của mình trong nước và hội nhập quốc tế. Đặc biệt các DNN&V cần biết tận dụng tối đa, những tiềm lực về vốn, nhân lực, thị trường, văn hóa, kinh nghiệm kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh, biết cách giữ mối quan hệ tốt đẹp với các DN lớn trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt. Nhanh chóng tiếp thu, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh. Phấn đấu trong vài năm tới thực hiện số hóa 800.000 DN, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và tiến bộ của nhân loại.

Với định hướng phát triển kinh tế 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2045 của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và trên cơ sở hành lang pháp lí mà Đảng và Nhà nước đã ban hành là vận hội mới để các DNN&V tạo đà bứt phá, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.