Bà nội tôi tên là Trần Thị Sen, quê ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Quê vùng đất ngoài bãi sông Hồng mỗi năm đều có nước lũ nên không cấy được lúa mà chỉ trồng ngô 1 vụ thu hoạch vào mùa Hè làm lương thực ăn quanh năm. Các bữa chính là cơm quấy bột ngô ngâm mà muốn có bột ngô ngâm thì mấy anh em phải thay nhau giã trong cối đá rồi giần lấy bột, giã đi giã lại rồi tiếp tục giần bột cho đến khi chỉ còn cái “mày ngô” thì thôi để nấu cám cho lợn ăn. Đến đầu những năm 60 của thế kỉ trước, mấy nhà góp tiền chung nhau đóng cối đá để xay ngô thì mấy anh em không phải giã mà thay vào đó là kéo cối xay có nhẹ nhàng hơn, nhưng với mấy anh em mới 8-10 tuổi thì cũng “bở hơi tai” mới xay xong rổ ngô ngâm rồi giần lấy bột nấu cơm. Thương cháu nên hôm nào từ ruộng đồng về sớm hơn bố mẹ, bà lại vào kéo cối xay mấy lượt giần bột giúp cháu.
Năm 6 tuổi, tôi đi học vỡ lòng, mẹ bận bịu việc đồng nên bà khâu ghép mấy miếng vải nâu sồng cắt từ cái áo cũ rồi cặm cụi ngồi khâu cho tôi cái túi đi học. Chỉ có quyển vở ô-li, cái bảng, viên phấn với mảnh vải nhỏ làm khăn lau bảng bỏ tất cả vào túi rất gọn, không sợ rơi vãi dọc đường. Tôi còn nhớ mỗi khi đi học về, bà lại bảo học được chữ gì về kể cho bà biết, mặc dù bà không biết đọc, không biết viết chữ quốc ngữ. Bà luôn nhắc anh em chúng tôi: Phải cố mà học cho bằng bạn bằng bè.
Nhớ lời bà dặn nên đi học về, sau bữa cơm tối, mấy anh em lại nằm trên phản chụm đầu chung quanh ngọn đèn dầu hỏa mà đọc, mà viết… Mỗi khi tôi được điểm 9, điểm 10, bà rất vui, thi thoảng lại dúi cho mớ tóc rối của bà chải đầu bị rụng để mang ra đổi kẹo của anh hàng kẹo kéo bán rong trên đường làng, khi hết tóc rối thì bà lại cho mấy xu mua viên kẹo bột ở quán cụ Chè gần nhà. Những hôm đi học cả ngày ở trường được mẹ nắm cho nắm cơm bằng mảnh lá chuối tiêu khô thoang thoảng hương vườn, còn bà lo cháu đói lại cho mấy xu mua cái bánh đa khoai ăn thêm.
Vào sáng mùng Một Tết Nguyên đán, bà lại gọi các cháu nội, ngoại dắt tay nhau đứng một hàng để bà “mừng tuổi” và tôi là cháu trưởng đích tôn nên được nhận tiền “mừng tuổi” đầu tiên. Không biết bà tích trữ tiền lẻ từ khi nào mà trong cái túi khâu từ mảnh vải vỏ áo bông cũ của bà có đủ tiền xu, tiền giấy có mệnh giá 1 xu, 2 xu, 5 xu, 1 hào, 2 hào. Trước khi “mừng tuổi”, bà xoa đầu mỗi cháu và hỏi lấy tiền xu hay tiền giấy rồi bà vừa đưa vừa chúc sức khỏe, chăm học, ngoan ngoãn quét nhà, trông em… giúp bố mẹ. Tôi để ý thấy các em trai thường xin bà tiền xu và các em gái thì xin bà tiền giấy. Sau này, mẹ tôi cũng chuẩn bị tiền lẻ và mừng tuổi các cháu nội ngoại giống như bà nội.
Năm 1970, tôi thi đỗ vào đại học nên bà mừng lắm. Khi đó bà đã hơn 70 tuổi, lại có bệnh hen suyễn nên sức khỏe không được tốt nhưng thỉnh thoảng bà lại gọi vào bên giường rồi hỏi: Đại học thì học những gì hở cháu? Học đại học có khó lắm không?… Sáng 20/10/1970, bố đèo tôi bằng xe đạp lên tựu Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ở số 19 phố Lê Thánh Tông theo giấy gọi do thầy Phó Hiệu trưởng Dương Hữu Thời kí. Trước khi đi, bà chống gậy ra mở nắp chum ngô, lục lọi một hồi rồi lấy ra một gói nhỏ bọc giấy vỏ bao xi-măng, bà gỡ mấy lớp giấy bọc mới lấy ra được túi giấy đựng mấy cái bánh vừng vòng đưa cho tôi bảo đến trường ăn cho đỡ đói. Tôi cảm ơn bà, cầm gói bánh rồi đưa cho bà và bảo: Bà cho các em ăn. Cháu lớn rồi ạ! Học hết năm thứ nhất, tôi có giấy gọi nhập ngũ vào ngày 6/9/1971. Do năm ấy có trận lũ lịch sử, bà và mấy đứa em nhỏ phải sơ tán đến nhà người quen ở xã khác trong huyện nên tôi không thể gặp để chào bà, đành viết mấy dòng vào tờ giấy gửi lại cho bố, khi nào bà về nhà thì bố đọc cho bà nghe. Sau mấy tháng huấn luyện ở Bắc Giang, tôi cùng đơn vị vào chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị từ ngày 28/6 đến 16/9/1972.
Thời gian đó, đường thư ra Bắc, thư vào Quảng Trị bị ảnh hưởng chiến tranh nên đi khá chậm, sau khi Hiệp định Pa-ri (27/1/1973), tôi mới nhận được mấy lá thư của gia đình báo tin bà nội đã mất. Nhớ bà, thương bà, tôi viết một lá thư dài gửi về gia đình. Tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam giành chiến thắng 30/4/1975, tôi cùng một số lính sinh viên được ra quân chuyển ngành về học tiếp đại học. Cuối năm 1975, bố tôi và các chú, các cô tổ chức lễ “Thay áo-sang cát” cho bà. Còn nhớ hôm đó trời mưa phùn gió bấc, các con, các cháu nội, ngoại của bà mặc áo mưa sùm sụp mà vẫn rét cóng. Tôi và đứa em con ông chú ruột chân trần bấm bùn khiêng tiểu sành ra nghĩa trang rồi cùng đại gia đình đưa bà về “nhà mới”.
Nhớ lời bà căn dặn, mấy anh em tôi và các em con chú ruột tôi đều bảo ban, nhắc nhở nhau chăm chỉ học hành, giúp bố mẹ việc nhà, lớn lên một chút thì chăm bẵm mảnh đất 5% trồng rau màu cho bữa ăn hằng ngày. Có lẽ thế mà mấy anh em đều thi đỗ đại học, cao đẳng, trung cấp… làm cán bộ công chức cơ quan, doanh nghiệp, làm thầy, cô giáo dạy học. Khi có con rồi có cháu, vợ chồng tôi nhớ lời bà dạy luôn nhắc nhở chúng chăm học, ngoan ngoãn, thảo hiền làm việc nhà giúp bố mẹ. Chiều 30 Tết hằng năm, hai vợ chồng lại ra mộ ông, mộ bà làm sạch cỏ, trồng cây hoa, thắp hương mời ông, mời bà về vui tết với các con, các cháu.
Sáng mùng Một Tết, hai vợ chồng mừng tuổi các cháu lại nhớ về những em trai, em gái dắt tay nhau xếp hàng chờ bà nội xoa đầu chúc học giỏi, ngoan hơn năm ngoái rồi “mở hàng” những đồng tiền xu, tiền giấy năm nào…