Một người cao tuổi có bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ. |
Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện cả nước có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, bằng gần 12% tổng dân số cả nước. Đây là nhóm đối tượng được ưu tiên thụ hưởng các chính sách an sinh, sử dụng các dịch vụ xã hội. Trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng lập hồ sơ chăm sóc sức khỏe cho khoảng 3 triệu người, khám sức khỏe định kỳ cho gần 4 triệu người; hơn 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế để được hỗ trợ khám, chữa bệnh. Những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt, người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được trợ cấp xã hội hằng tháng. Riêng năm 2021, nước ta có hơn 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội, chiếm 51,4% tổng số người hưởng trợ cấp xã hội ngoài cộng đồng. Ông Nguyễn Văn Hanh, trú tại tổ dân phố Phố Ga, thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) cho biết, mẹ đẻ của ông là cụ Đỗ Thị Diềm (84 tuổi), hiện được trợ cấp xã hội 360.000 đồng/tháng. Số tiền này đã giúp cụ Diềm nâng cao được mức sống.
Tuy nhiên, trụ cột chính của an sinh xã hội là bảo hiểm xã hội mới bao phủ một phần nhóm dân số là người cao tuổi. Hiện tại, cả nước có hơn 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, bằng hơn 36% dân số là người cao tuổi. “Trong nhóm hơn 60% người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, nhiều người không có khoản tích lũy cho tuổi già, nên cuộc sống còn khó khăn. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh nhất thế giới, nên số người cao tuổi sẽ tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa, nước ta đối mặt với nguy cơ già trước khi giàu”, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi trăn trở.
Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Bùi Tôn Hiến cho rằng, nhiều chính sách an sinh xã hội hiện hành, trong đó có chính sách bảo hiểm xã hội được thiết kế tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế chính thức (có hợp đồng lao động, quan hệ lao động), khiến nhiều người lao động ở khu vực kinh tế phi chính thức khó tiếp cận, dẫn đến họ không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho tuổi già. Nguồn lực thực hiện trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa động viên, thu hút được nhiều tổ chức tư nhân, cộng đồng tham gia… Còn Giám đốc Chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Andre Gama đánh giá, việc triển khai hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có chính sách đối với người cao tuổi ở Việt Nam còn chồng chéo, nên hiệu quả chưa cao.
Nhằm tạo điểm tựa an sinh xã hội vững chắc cho người cao tuổi, nhiều ý kiến khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội đối với người cao tuổi đồng bộ với các chính sách xã hội khác, hài hòa, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế, lấy yếu tố con người làm trung tâm. Trong đó, chính sách bảo hiểm xã hội cần thiết kế theo hướng linh hoạt, đa tầng, tạo điều kiện để đông đảo người dân tham gia. Chính sách bảo hiểm y tế cần tăng tính hấp dẫn. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu nên được rút ngắn. Cùng với đó là nguồn lực để trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi cần được bổ sung; hệ thống dịch vụ xã hội cần mở rộng…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho hay, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành chức năng nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách an sinh quan trọng, góp phần tạo lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững, từng bước hiện thực hóa mục tiêu có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế trong tương lai không xa.