Hoạt động của 1 doanh nghiệp dệt may ở tỉnh Đồng Nai |
Với mục tiêu thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19, phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ đột phá; các giải pháp nâng cao chất lượng thu hút đầu tư và hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài tại địa phương. Năm 2022, tỉnh Đồng Nai đặt ra 7 chỉ tiêu về kinh tế đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 6,5-7,0% so với năm 2021. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 126,26 triệu đồng/người. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đạt 11,5%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử đạt 10%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 8,0-8,5% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 100,07 ngàn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách đạt dự toán được giao.
Từ đó, các nhiệm vụ, giải pháp tỉnh Đồng Nai thực hiện đó là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Chủ động triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh gắn với việc từng bước khôi phục, thúc đẩy, phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh. Thực hiện có hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.
Tổ chức điều hành ngân sách chặt chẽ, kỷ luật, kỷ cương. Tăng cường các hoạt động chống thất thu, chống chuyển giá, gian lận thương mại; rà soát kiểm tra thuế các doanh nghiệp thuộc diện miễn, giảm thuế do chính sách ưu đãi đầu tư, các doanh nghiệp thua lỗ nhiều năm, các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, các doanh nghiệp có hoạt động chuyển nhượng. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát ngân sách, tài sản công, triệt để tiết kiệm các khoản chi ngay từ khi lập, giao và thực hiện dự toán để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, an sinh xã hội và phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; triển khai và thực hiện tốt quản lý và sử dụng hóa đơn điện tử. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia trên địa bàn, các công trình trọng điểm của tỉnh và địa phương.
Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đáp ứng yêu cầu phát triển, giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo và đồng hành cùng doanh nghiệp. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, cơ cấu lại, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các lĩnh vực đột phá. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế thân thiện môi trường, kinh tế số và các mô hình kinh tế mới, ứng dụng công nghệ số.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch; tăng cường thực hiện công tác quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh, trong đó rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch một số vùng, đô thị lớn (như: Long Thành, Nhơn Trạch,…); triển khai việc lập quy hoạch lại toàn bộ lưu vực sông Đồng Nai thuộc phạm vi quản lý đảm bảo phù hợp với định hướng, tầm nhìn dài hạn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai quy hoạch các khu (tổ hợp) công – nông nghiệp – dịch vụ (công nghiệp chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ phục vụ nông nghiệp chế biến và nông nghiệp).
Phát triển các ngành công nghiệp – xây dựng có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản. Khôi phục các ngành thương mại, dịch vụ; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, các ngành dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương về phát triển du lcih5 thành ngành kinh tế quan trọng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh v…v
Với những mục tiêu, nhiệm vụ đó, 5 tháng đầu năm 2022, kinh tế tỉnh Đồng Nai phục hồi tương đối tốt trên nhiều lĩnh vực như: công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, xuất khẩu, huy động nguồn vốn toàn xã hội. Đồng Nai trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm công nghiệp lớn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 10,9 tỷ USD, tăng 14% so cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu tăng cao là cà-phê; hạt tiêu; dệt may; máy móc, thiết bị, phụ tùng, máy vi tính và linh kiện điện tử…Cùng với đó, Kim ngạch nhập khẩu hơn 8 tỷ USD, tăng 1,06% so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu tăng gồm hóa chất; chất dẻo nguyên liệu; nguyên, phụ liệu dệt, may, da giày; sắt, thép các loại. Tổng quan, 5 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai đạt giá trị xuất siêu gần 2,9 tỷ USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu khoảng 575 triệu USD. Nhờ xuất siêu lớn nên doanh nghiệp có điều kiện mở rộng sản xuất, đổi mới máy móc, thiết bị. Xuất siêu còn giúp tăng tích lũy, củng cố nội lực của nền kinh tế. Dự báo, những tháng tới, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục tăng trưởng mạnh; cả năm 2022, Đồng Nai có thể xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Có thể nói, kinh tế tỉnh Đồng Nai phục hồi tương đối tốt trên nhiều lĩnh vực như vậy là do các doanh nghiệp, chính quyền các cấp, người dân đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, cca 1muc5 tiêu phát triển kinh tế được tỉnh Đồng Nai đã bám sát vào đúng tình hình tại địa phương, từ đó các mục tiêu đề ra được thực hiện rất tốt.