Vì sao việc xây dựng tuyến đường tâm linh lên chùa Vạn Triều bị ngăn cản?

0

Để phục dựng lại chùa, năm 2000, được sự đồng ý của các cấp chính quyền, nhà sư Thích Thanh Tuân trụ trì chùa Giữa Đồng (phường Nam Hòa), đã đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, các tín đồ phật tử và Nhân dân đóng góp, khôi phục lại chùa Vạn Triều.

Chùa Vạn Triều, Đệ nhất danh thắng xứ Hải Đông xưa.

Chùa Vạn Triều tên chữ là “Hoa Khai Sơn Vạn tự”. Chùa nằm trên núi Hoa Khai (hoa nở), thuộc thôn Yên Lập, xã Yên Lập, huyện Yên Hưng, nay là Khu Yên Lập, phường Minh Thành, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Theo tư liệu lịch sử, khi nhà sư hiệu là Pháp Từ Chân Ý và nhà sư pháp tính là Lâm Tế Tông Truyền Liễu Đạt Chân Không đến vùng đất Vạn Triều, thấy địa thế giống như nhị một bông hoa cúc, xung quanh muôn dãy núi ôm vào như những cánh hoa cúc, nên đặt tên núi là Hoa Khai Sơn (núi hoa nở), hai bên có hai dãy núi Thanh Long và Bạch Hổ chầu vào, nhìn ra trước mặt thấy làng Yên Lập như một trương án tiền, khi nước triều lên, thấy muôn con nước đổ về, sơn thủy hữu tình đẹp như một bức tranh, bèn xây dựng chùa đặt tên là Vạn Triều. Chùa Vạn Triều xưa là đệ nhất danh thắng xứ Hải Đông (tỉnh Quảng Ninh ngày nay).

Chùa Vạn Triều nhìn ra  sông Yên Lập và vịnh Hạ Long
Chùa Vạn Triều nhìn ra sông Yên Lập và vịnh Hạ Long

Sách Đại Nam nhất Thống chí, tập 4, trang 55 ghi “ Chùa Vạn Triều, ở núi Vạn Triều, huyện Yên Hưng, thể chế cổ kính, mộc mạc, sản nhiều cam quýt, phong cảnh khá đẹp, trai gái thường đến ngoạn thưởng, cũng là một danh lam”. Trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Tuân được biết; khi tổ chức bảo tồn phục dựng lại chùa, trong đống đổ nát còn sót lại trong khuôn viên chùa duy nhất một tấm bia đá Thiên Đài Thạch Trụ và một tháp Tổ xây bằng gạch. Bia Thiên Đài Thạch Trụ của chùa Vạn Triều ghi lại việc năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) trùng tu lớn chùa Vạn Triều gồm các phần việc đúc chuông, làm nhà hậu đường và các tượng Phật bằng gỗ và có thơ khắc trên bia Thiên Đài Thạch Trụ rằng: “Vạn Triều đất tốt/ Cửu phẩm ngút trời/ Thôn Yên cảnh đẹp/ Đời có nổi chìm/Phàm người cúng tiến/Đều đến tòa sen/ Long hoa hải hội/Lại mong tương phùng”…

Từ nhiều thập niên qua, mặc dù đường sá đi lại khó khăn nhưng chùa Vạn Triều là nơi sinh hoạt tâm linh của phật tử và nhân dân các khu Yên Lập Đông, Yên Lập Tây, Tân Thành, phường Minh Thành, cũng như nhân dân quanh vùng, của các nam thanh, nữ tú đến vãn cảnh chùa và thưởng ngoạn phong cảnh rừng, biển nơi đây. Ông Vũ Tuấn Thanh, sinh năm 1938, ở An Lão, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ năm 1958, năm 1962, chuyển ngành về Đội Lâm sinh (Yên Lập) nay là Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học và Sản xuất giống Lâm nghiệp Quảng Ninh. Ông Thanh về hưu năm 1976, tại khu Lâm Sinh 2, phường Minh Thành, một phật tử lâu năm của nhà chùa cho biết:

Chùa Vạn Triều, thuộc Khu Yên Lập, phường Minh Thành.
Mặt tiền chùa Vạn Triều, thuộc Khu Yên Lập, phường Minh Thành.

“Tôi cũng đi nhiều nơi, nhưng phải khẳng định chùa Vạn Triều được các bậc Tiền nhân chọn, xây dựng trên một địa thế rất đẹp, phong cảnh hữu tình, nhà sư Thích Thanh Tuân, mặc dù không trực tiếp trụ trì tại đây nhưng Thầy rất quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, từ chỗ không điện, xa khu dân cư đến vài cây số, nay hệ thống điện đã được lắp đặt, phục vụ cho sinh hoạt và những ngày lễ trọng”.

Đường lên chùa đã khó, nhà chùa làm đường lại bị ngăn cản.

Thượng tọa Thích Thanh Tuân, chia sẻ: “Năm 2002, tôi được Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì chùa Vạn Triều, khi ấy ngoài việc giao thông đi lại trắc trở, kinh phí hạn hẹp, niên việc bảo tồn, xây dựng, tôn tạo chùa chưa được như ý, nay nhiều hạng mục đã bị xuống cấp. Năm 2016, được sự đồng ý của các cấp chính quyền, nhà chùa có kế hoạch triển khai đổ bê tông toàn bộ tuyến đường, tạo điều kiện thuận lợi cho quý phật tử và quý khách xa gần đến dâng hương vãn cảnh chùa; đồng thời phục vụ cho việc vận chuyển, nguyên vật liệu cho việc xây mới chùa”.

Các phật tử chùa Vạn Triều lễ Phật đầu năm.
Các phật tử chùa Vạn Triều lễ Phật đầu năm.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Khánh, đơn vị nhận thi công tuyến đường (một trong những tập thể, cá nhân cung tiến kinh phí xây dựng tuyến đường) cho biết: “Công ty chúng tôi triển khai tập kết vật liệu, làm lễ động thổ, nhưng phải dừng lại. Nguyên nhân là do đội Quản lý của Công ty Thông Quảng Ninh, đơn vị được thuê, nhận, trồng và khai thác nhựa thông tại khu vực này, ngăn cản, không cho thi công, thậm chí một số đối tượng còn dùng những lời lẽ “thiếu văn hóa” với chúng tôi và thượng tọa Thích Thanh Tuân”.

Bà Mạc Thị Xuân, 74 tuổi, ở khu Tân Thành, một phật tử của nhà chùa cho biết: Việc nhà chùa tổ chức làm đường, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho phật tử, và khách thập phương đến vãn cảnh chùa, người trồng rừng, khai thác nhựa thông cũng được hưởng lợi theo, nó góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội của địa phương và luôn được nhà nước khuyến khích. Hơn nữa việc làm đường đâu có làm ảnh hưởng đến rừng và đất rừng, việc ngăn cản nhà chùa làm đường đồng nghĩa với việc ngăn cản sự phát triển của xã hội.

Được biết, ngày 28/3/2007, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dung đất lâu dài cho Ban Hộ tự Chùa Vạn Triều, tổng diện tích 4,1 ha, với mục đích sử dụng lâu dài là để xây chùa. Bà Xuân còn cho biết thêm; đường lên chùa đã có từ năm, bảy trăm năm nay, chứ đâu phải đến nay mới hình thành, có chăng nay chỉ san gạt cho phẳng, đổ bê tông, không ảnh hưởng đến rừng thông.

Một đoạn của tuyến đường lên chùa Vạn Triều.
Một đoạn của tuyến đường lên chùa Vạn Triều.

Mục tiêu tổng quát đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra: “Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc…Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư”

Việc Ban Trị sự chùa Vạn Triều, các tổ chức xã hội và cá nhân ủng hộ và tổ chức làm đường lên chùa Vạn Triều, một điểm di tích tâm linh, nơi có phong cảnh hữu tình, nơi mà từ xưa các bậc tiền nhân đã khắng định là “Đệ nhất danh thắng” là việc làm đáng khích lệ, ngoài việc phục vụ văn hóa tâm linh còn góp phần phát triển du lịch, lĩnh vực mà hiện đang được các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm bởi; khi giao thông thuận lợi, chùa Vạn Triều sẽ kết nối giữa Yên Tử – Vạn Triều – Lôi Âm – Cửa Ông, tạo điều kiện thuận lợi cho cac Phật tử và du khách thập phương khi đến xứ Hải Đông.

Thiết nghĩ, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng của thị xã Quảng Yên và tỉnh Quảng Ninh sớm vào cuộc giúp nhà chùa giải quyết vướng mắc này.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.