Xưng hô thế nào để không vi phạm Luật Bình đẳng giới

0

Cách hơn 60km, tôi tìm đến thăm bạn, trong lúc đang hỏi thăm đường vào nhà, có một cháu bé dẫn đường đưa tôi vào tận ngõ nhà ông bạn.

Đứng ngoài ngõ nghe vọng vào trong nhà, thấy có tiếng nói của ông: “Hôm nay tao có khách vào chơi nhà, mày phải chuẩn bị cái gì cho tươm tất để tao và ông bạn nhậu, có khách vào nhà mày phải vui vẻ, niềm nở, không được làm trái ý tao”.

Xưng hô thế nào để không vi phạm Luật Bình đẳng giới

Tôi nghe được những câu nói đó, tưởng là ông nói với con cháu hay người giúp việc, vào nhà hỏi ông, nhà ta các cháu đi đâu cả, ông nói: “Chúng nó có vợ, có chồng cả rồi, mỗi đứa ở một nhà, ở đây chỉ có hai thằng già thôi”.

Ông pha trà tiếp khách, bà cũng ra chào rồi lại vào nhà trong, ông lại nói với bà phải đi tìm kiếm cái gì nấu nướng cho ngon để chúng tao còn nhậu, đã hơn 10 năm rồi còn gì, phải có bữa nhậu ra trò.

Tôi nghĩ thầm trong bụng và ghé vào tai ông nói nhỏ, tại sao xưng hô với vợ là mày tao, tôi thấy khó nghe lắm, ông trả lời gọn lỏn, ở cái làng này tất cả thế, đều nói với vợ là mày tao, xưng hô quen rồi. Tôi nói tiếp đã trên 60 tuổi còn gì? ông đã vào Hội NCT chưa mà thế, ông trả lời: “Dẫu vào Hội cũng thế thôi, ở cái xóm này có ông cán bộ lãnh đạo xã về nói với vợ cũng thế có sao đâu?”.

Tôi lắc đầu, không được đâu ông ạ, xưng hô như thế là bất bình đẳng giới, ngay từ khi Cách mạng Tháng 8/1945, Hiến pháp năm 1946 đã quy định nam nữ bình quyền rồi mà. Từ nay ông không được xưng hô với bà như thế nữa, vừa gia trưởng và vi phạm Luật Bình đẳng giới. Ông ngồi yên không nói gì, tôi chuyển sang chuyện khác.

Thiết nghĩ cơ quan chính quyền địa phương, Hội Phụ nữ xã cũng cần có kế hoạch tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu rõ về Luật Bình đẳng giới, để có cách xưng hô với người bạn đời của mình một cách bình đẳng và có văn hóa. Ở đây, người viết cũng mới biết một địa phương, biết đâu trên đất nước có thể còn địa phương khác cũng như vậy thì sao?



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.