Xung quanh vấn đề xe buýt ở TP Hà Nội

0

Tại Hà Nội, xe buýt đã có lịch sử ra đời từ thời thuộc Pháp. Tính từ năm 1919 đến năm 1959, trước khi cải tạo công thương, Hà Nội đã có một số lượng xe buýt tới gần 800 chiếc, bao gồm cả xe chuyên chở người và xe chở người nhưng được phép mang theo một số lượng lớn hàng hóa.

Năm 1960, sau cải tạo công thương, 95% số xe tư nhân trên địa bàn TP Hà Nội được công tư hợp doanh, rồi sau đó lại tiến hành sáp nhập thành Xí nghiệp Xe khách Hà Nội. Tới tháng 12/1962, Xí nghiệp xe khách Hà Nội và Tập đoàn ô tô buýt Thống Nhất hợp nhất thành Xí nghiệp xe khách Thống Nhất. Ngoài việc phục vụ hành khách nội đô, Xí nghiệp còn phục vụ hành khách đi lại trên hầu hết các tỉnh miền Bắc với điểm xuất phát chính là các bến xe Bến Nứa, Kim Mã và Kim Liên.

Xung quanh vấn đề xe buýt ở TP Hà Nội
Ảnh minh hoạ

Thời kì đó, tất cả các loại xe chở khách lớn nhỏ, chạy đường ngắn hay đường dài đều có tên chung gọi là “xe buýt”. Sau này, những xe chuyên chạy đường dài, hành khách có thể mang theo nhiều hàng hóa hoặc hàng hóa cồng kềnh thì gọi là xe khách, còn những xe hoạt động ở nội ngoại đô, chuyên vận chuyển hành khách và chỉ được mang theo một số lượng đồ dùng gọn nhẹ thì gọi là xe buýt.

Giá vé xe buýt thời kì đó được bao cấp, rất rẻ, lại không có nhiều phương tiện khác cạnh tranh nên số lượng hành khách đi xe buýt khá đông, đặc biệt là học sinh, sinh viên và công nhân viên chức Nhà nước. Sau một thời gian phục vụ khá dài, hệ thống xe buýt cũ nát, hư hỏng, thái độ nhân viên phục vụ trên xe lại tiêu cực, cửa quyền, quan liêu, hách dịch, nên số người đi xe buýt đa phần rời bỏ, lấy xe đạp làm phương tiện giao thông chủ yếu. Do không có khách, hệ thống xe buýt bắt đầu hoạt động co cụm, mang tính cầm chừng và trở thành một loại phương tiện giao thông thứ yếu của thành phố, đã có thời kì tưởng như phải giải thể…

Đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, lượng xe máy du nhập vào Việt Nam nhiều dần. Cùng thời điểm đó, một số hãng sản xuất xe máy của Nhật Bản đưa dây chuyền sản xuất vào Việt Nam, số lượng xe máy tham gia giao thông tăng vọt trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, nạn ô nhiễm môi trường, ách tắc và tai nạn giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng, đến mức không thể kiểm soát nổi và trở thành một vấn nạn lớn cho thành phố.

Trước tình trạng đó, năm 2001, Sở Giao thông vận tải Hà Nội được sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị thành phố chủ trương khôi phục lại hệ thống giao thông công cộng. 5 công ty sản xuất xe bus ra đời và đến năm 2004 thì hợp nhất thành Tổng công ty Vận tải và Dịch vụ hành khách Hà Nội có tên gọi là Transerco. Tổng công ty Transerco phát triển rất nhanh chóng, với quyết tâm thu hút phần lớn lượng người tham gia giao thông, nhằm góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu nạn ách tắc và tai nạn giao thông trên đường phố.

Cho đến nay, trên toàn TP Hà Nội có 112 tuyến xe buýt, bao phủ toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã, hoạt động từ 5 giờ sáng, tần suất trung bình cứ 10 phút một chuyến. Lượt xe vét khách cuối cùng trong ngày sẽ rời bến lúc 21 giờ tại 2 điểm đầu và cuối tuyến.

Để đáp ứng kịp thời với xu hướng phát triển của xã hội, Tổng công ty xe buýt Hà Nội Transerco vừa cho ra đời phần mềm “timbus.vn”. Theo đó, hành khách đang ở bất kì nơi nào, vẫn có thể biết được xe gần vị trí mình hiện đang ở đâu, có bị kẹt tắc hay không, bao nhiêu thời gian nữa thì tới bến để kịp chuẩn bị…

Qua một thời gian hoạt động, hệ thống xe buýt đã có một số lợi ích nhất định, đặc biệt đối với người cao tuổi thì việc lựa chọn xe buýt làm phương tiện giao thông là rất phù hợp, vừa tránh được mưa nắng, lại an toàn. Loại vé đồng hạng cho một lượt lên xe là 7.000 đồng đối với các tuyến có cung đường dưới 25km và 9.000 đồng đối với các tuyến trên 25km. Vé tháng liên tuyến là 200.000 đồng; đối với học sinh, sinh viên là 100.000 đồng. Kể từ tháng 9/2019, thành phố quyết định miễn phí hoàn toàn đối với hành khách có độ tuổi từ 60 trở lên. Với chủ trương này, ngành vận tải hành khách của thành phố đã có một bước tiến rõ rệt và nhận được sự đồng thuận rất cao trong dư luận xã hội…

Với những lợi ích như vậy, nhưng tại sao xe buýt vẫn chưa thể khai thác, thu hút triệt để được số đông hành khách tham gia giao thông? Vấn đề chính phải kể đến là một số bất cập của ngành vận tải xe buýt. Trước hết là giờ giấc. Vào giờ cao điểm, xe buýt có thể muộn tới hàng tiếng đồng hồ so với thời gian quy định. Chỉ riêng nhược điểm này, xe buýt đã để tuột mất một lượng hành khách rất hùng hậu là cán bộ, công nhân, viên chức, bởi họ không thể lấy lí do xe buýt chậm trễ để muộn giờ làm việc. Sau đó là những bất cập khác, chẳng hạn như địa điểm đón trả khách bố trí chưa hợp lí, còn vòng vo gây nhiều phiền toái cho hành khách. Nơi chờ xe đa phần chưa có mái che mưa nắng. Chất lượng xe dần xuống cấp, thậm chí cũ nát, vệ sinh công cộng trên xe rất kém. Đặc biệt là thái độ, văn hóa ứng xử của một số nhân viên phục vụ trên xe còn tùy tiện, ăn nói bặm trợn, hách dịch, thiếu tôn trọng đối với hành khách…

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, hơn bao giờ hết, ngay từ bây giờ, Tổng công ty Vận tải và Dịch vụ hành khách Hà Nội Transerco nên tập trung kiện toàn, khắc phục toàn bộ những vấn đề còn bất cập.Qua đó, tránh tình trạng sẽ lâm vào thảm cảnh bị đào thải như quá khứ, khi các phương tiện giao thông khác như đường sắt trên cao, đường xe điện ngầm đang trong thời kì xây dựng để đáp ứng với lộ trình loại bỏ xe máy ra khỏi các thành phố lớn.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.