Sở dĩ gọi là xôi ngũ sắc bởi xôi có 5 màu xanh, vàng, tím, trắng và đỏ, mang ý nghĩa biểu trưng cho quan niệm về vũ trụ, triết lí âm dương. Trong đó, trắng điển hình cho kim, xanh tượng trưng cho mộc, đen là màu của thủy, đỏ là hiện thân của hỏa và màu vàng chính là màu của thổ. Chính sự tồn tại của năm loại vật chất này đã tạo nên sự tươi tốt, hạnh phúc của Thiên – Nhân – Địa.
Xôi ngũ sắc món ăn ngon hút khách du lịch khi đến Bắc Hà |
Tại đây, xôi ngũ sắc là đặc sản của người dân tộc Tày và nổi tiếng nhất là vùng Tả Chải, Na Hối và Bản Liền.Ngoài ra, có thể dễ dàng bắt gặp tại chợ văn hóa Bắc Hà, các homestay, các hàng quán, nhà hàng bày bán món này trong thực đơn.
Thôn văn hóa Na Lo, xã Tả Chải không chỉ nổi tiếng là làng du lịch cộng đồng có phong cảnh đẹp, văn hóa dân tộc Tày đặc sắc, mà nơi đây cũng nổi tiếng với làng nghề làm cốm, xôi ngũ sắc và bánh chưng đen chuyên phục vụ khách du lịch và cung ứng thị trường trong và ngoài huyện.
Chị Vàng Thị Thủy và chị Vàng Thị Liên và hơn 20 hội viên phụ nữ ở thôn Na Lo từ lâu đã sống bằng nghề làm nông, trồng rau, lúa nếp, làm cốm, bánh dày, xôi ngũ sắc và bánh chưng đen phục vụ khách du lịch. Theo chị Thủy, xôi ngũ sắc là món ngon được du khách yêu thích. Để làm món xôi ngũ sắc ngon đòi hỏi phải nắm vững kĩ thuật, cần cù, tỉ mỉ trong quá trình làm xôi ngũ sắc.
Người Tày Bắc Hà quan niệm vào ngày lễ, Tết được ăn món xôi ngũ sắc sẽ mang đến điều may mắn, phước lành. Nếu có dịp ghé thăm Bắc Hà vào những dịp lễ lớn, đám cưới hỏi, bạn sẽ thấy mâm nào cũng có món xôi ngũ sắc, được trình bày rất khéo léo, đặt tại vị trí đẹp trên mâm. Bởi vậy mới nói, đặc sản Bắc Hà – xôi ngũ sắc không chỉ là món ăn thưởng thức mà còn là sự hội trụ của những giá trị truyền thống xen lẫn hiện đại.
Không giống như xôi xéo Hà Nội, xôi lạc hay xôi gấc… xôi ngũ sắc của Bắc Hà có vị tự nhiên rất riêng và đa dạng bởi mỗi màu sắc lại được thêm vào những loại lá cây rừng khác nhau, cho ra màu sắc chuẩn, hấp dẫn khác nhau.
Xôi ngũ sắc Bắc Hà dẻo thơm mùi nếp, như thấm đượm những mồ hôi, sương gió của bà con nông dân, khiến bạn chỉ cần hít hà hương thơm này cũng đủ phấn khích, muốn thử ngay lập tức. Món này vừa giúp bạn no bụng, vừa giúp bạn hiểu hơn về nét ẩm thực của vùng cao. Chị Lê Thùy Trang, ở Hà Nội thường xuyên lên Bắc Hà vào thứ 7, chủ nhật đi chợ đêm và chợ văn hóa, luôn lựa chọn cho mình món ăn thắng cố ngựa, xôi ngũ sắc và bánh chưng đen, không chỉ ăn uống ngay tại chợ, chị Trang và các bạn còn mua bánh chưng đen, cốm, khẩu rang và xôi về làm quà, bởi xôi ngũ sắc Bắc Hà thơm ngon.
Để có một đĩa xôi ngũ sắc ngon cần rất nhiều công đoạn từ khâu chọn lá, chọn gạo tới khâu đồ xôi, với bàn tay khéo léo, kinh nghiệm từ người làm.Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu. Trong món xôi ngũ sắc, nguyên liệu nhiều và quan trọng nhất là hạt nếp. Ở Bắc Hà, gạo nếp Tả Củ Tỷ, Bản Liền nổi tiếng nhất khi gạo nếp to, trắng trong, khi nấu sẽ cho độ ngon dẻo như ý.
Khâu chọn lá tạo màu cho xôi ngũ sắc là những lá cây không được quá non cũng không được quá già. Một điều chắc chắn rằng màu sắc được tạo nên hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu. Với màu đỏ, người Thái sẽ dùng lá cơm nếp đỏ hoặc quả gấc, màu tím từ lá cây cơm nếp tím, cây sau sau; màu xanh từ lá gừng, vỏ bưởi,… còn màu vàng từ củ nghệ giã lấy nước. Nhìn chung, các loại cây tạo màu rất đa dạng, đều dễ tìm trong vườn nhà hoặc trên rừng và mỗi người lại có sự lựa chọn riêng để tạo nên món ngon.
Gạo nếp được ngâm trước khi nấu khoảng 10 tiếng cho mềm hạt sau đó vớt ra để ráo nước. Lá cây rừng được rửa sạch và nấu bằng nguồn nước suối tự nhiên. Gạo nếp được đem đồ trong chõ xôi truyền thống hình bầu dục làm từ thân cây cọ hoặc cây gỗ, gọt cho thủng hai đầu trong đó một đầu đậy nắp và đầu kia lót bằng phên nứa. Mỗi chõ xôi như vậy đựng được 1kg gạo.
Khâu quan trọng nhất trong tất cả các bước vẫn là đồ xôi. Khi này, người đầu bếp phải chú ý để xôi chín đều, không bị cháy, khét. Muốn vậy, người ta phải để lửa đều, nhiều than. Xôi chín sau gần một tiếng nấu, được đơm vào một đĩa to, trình bày theo sở thích với đủ 5 màu xanh, đỏ, tìm, vàng, trắng. Muốn xôi nguội nhanh, người ta sẽ quạt trực tiếp bằng tay cho hơi nóng bay ra từ từ, hạt xôi được rời, tơi hơn, thêm một chút dầu ăn để hạt xôi trông mẩy, hấp dẫn hơn. Xôi ngũ sắc đúng chuẩn phải còn thơm mùi nếp, không nhão, không quá khô, dẻo, dù nguội hay nóng cũng không dính xôi vào tay. Xôi có thể được ăn kèm với muối vừng hoặc thịt, chả,…
Xôi ngũ sắc cao nguyên trắng Bắc Hà là nét tinh hoa trong ẩm thực của người dân tộc Tày nói riêng và của Bắc Hà nói chung. Món ăn này mang đến cho du khách những cảm nhận về vùng cao Bắc Hà giàu bản sắc văn hóa và thêm hiểu hơn về phong tục của đồng bào các dân tộc nơi đây.