Tháp chuông này là một phần của nhà thờ Tam Toà, làng Lệ Mỹ, thị xã Đồng Hới trước đây. Nhà thờ Tam Toà được xây dựng trước năm 1895. Ban đầu lợp bằng tranh tre, sau được tu bổ, xây dựng bề thế. Linh mục Cađiêré, nhà văn hoá nổi tiếng người Pháp đã từng được cắt cử làm cha xứ ở đây một thời gian. Dưới vòm nhà thờ đạo Tam Toà này, cậu bé Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mạc Tử sau này, đã cùng gia đình thường đến đây đọc kinh, cầu nguyện.
Sau Hiệp định Giơnevơ, trước khi dụ dỗ các con chiên xuống tàu vào Nam, thực dân Pháp và bè lũ tay sai đã đốt cháy cả làng Tam Toà, hòng vu cáo chính quyền cách mạng “đốt sạch” tài sản của họ, buộc họ phải ra đi. Suốt 3 ngày, ngọn lửa khi dữ dội, khi âm ỉ đã thiêu rụi toàn bộ tài sản của làng giáo dân ở đây. Nhưng màn kịch đó tự chúng lột trần, khi chiều 18/8/1954, Pêru, vị cha cố người Pháp cởi áo linh mục, mặc bộ sĩ quan, với lon đại uý, hông đeo súng lục, tay dẫn chó bécdê, trước khi bước xuống tàu đã vung ba toong lên, nói với người dân Đồng Hới: “Tao đốt sạch, phá sạch để cộng sản không thể lấy được bất kì một cái gì”.
Nhà thờ Tam Tòa, TP Đồng Hới còn in dấu tích tội ác của đế quốc Mỹ. |
Sau ngày Đồng Hới giải phóng, chính quyền thị xã đã giúp số giáo dân còn lại không di cư vào Nam ổn định nơi ăn chốn ở, cấp kinh phí để họ sửa sang, tôn tạo lại nhà thờ. Chuông nhà thờ vẫn ngân nga sáng sáng, trưa trưa, tối tối.
Kể từ tháng 2/1965, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược mang tên “Mũi lao lửa”, cho đến kết thúc cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của Mỹ, thị xã Đồng Hới bị bom đạn Mỹ dội xuống ngay đêm. Phố xá bị san phẳng. Nhà thờ Tam Toà cũng nhiều lần trúng bom đạn của Mỹ. Toàn bộ khu tĩnh dưỡng và toàn bộ phòng cầu kinh của các con chiên bị xoá sạch. Vẻn vẹn còn lại cái tháp chuông nhưng bị chém sạt một góc phía Bắc. Toàn bộ phần tường thành còn lại thì nham nhở vết bom.
Năm 1969, chiến dịch VT5 (đó là mấy chữ viết tắt của 6 từ: Vận tải tranh thủ tụt thang) trong thời kì Mỹ tạm ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra, Trung ương quyết định tranh thủ đưa một lượng lớn vũ khí, hàng hoá vào Khu 5. Một trong những mũi vận chuyển hàng hoá mà Quân uỷ Quân khu 4 quyết định là đưa 5 vạn chiếc thuyền nan từ Thanh Hoá chở hàng hoá, vũ khí vượt biển vào Quảng Bình. Có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, thuyền nan đảm đương nhiệm vụ khó khăn, gian khổ này. Vì sóng gió trên biển sẽ nhấn chìm thuyền nan và người điều khiển thuyền nan bị say sóng. Thế nhưng đoàn dân công hoả tuyến Thanh Hoá đã thực hiện sứ mệnh lịch sử này thật hào hùng.
Khi tốp dẫn đầu đoàn thuyền nan Thanh Hoá nhập cửa biển Nhật Lệ liền tập kết ở mé sông của nhà thờ Tam Toà. Hàng hoá, vũ khí được tập kết tại đây để sau đó ô tô đến vận chuyển vào chiến trường. Một tiểu đội nữ TNXP Thanh Hoá đã nghỉ đêm tại đây. Vào một buổi sáng, không may một người ra ngoài dẫm vào một quả bom bi nổ chậm của Mỹ. Bom bi phát nổ, 5 nữ TNXP Thanh Hoá đã hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền thị xã Đồng Hới đã cho xây khuôn viên để bảo vệ những gì còn lại của nhà thờ Tam Toà. Nơi đây đã trở thành di tích lịch sử về tội ác của thực dân và đế quốc đối với giáo dân Đồng Hới, Quảng Bình. Nhiều giáo dân làng Tam Toà đã di cư vào Nam trước đây khi trở về thăm Đồng Hới đều phải ngậm ngùi chua xót trước hiện trạng nhà thờ một thời của họ đến cầu kinh, kính chúa đã bị bom đạn đế quốc làm tan tành. Và, họ cũng cám ơn chính quyền địa phương đã cố công gìn giữ những gì còn lại của nhà thờ Tam Toà để chứng minh sự trân trọng của cách mạng đối với tín ngưỡng của Nhân dân, bất kì lúc nào, ở đâu.
Cách đây mấy năm, UBND tỉnh Quảng Bình đã cấp đất cho giáo dân Tam Toà xây nhà thờ mới trên đường Phạm Văn Đồng, công trình sắp được hoàn thiện. Tuy nhiên, hằng năm, đúng ngày Noel, giáo dân và Nhân dân Đồng Hới vẫn đến đây để tổ chức lễ Giáng sinh rầm rộ và sôi nổi. Đó là biểu hiện sự tôn trọng tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta.