Những nông dân cao tuổi dám nghĩ, dám làm ở Đồng Tháp

0

Đó là những nông dân cao tuổi luôn tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Mỗi nhân tố có cách làm sáng tạo, hữu ích cho đời sống xã hội.

Ông Nguyễn Văn Mách, ở xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh tham gia mô hình sản xuất xoài an toàn và dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, du lịch trải nghiệm nông nghiệp; và là thành viên của Minh Tâm Hội quán từ năm 2016. Với vai trò Phó Chủ nhiệm Hội quán, ông Mách luôn tiên phong đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế cho gia đình. Hộ của ông còn tiên phong ứng dụng nhật kí điện tử trong dịch vụ “Cây xoài nhà tôi”, giúp khách hàng thấy được trực tiếp hình ảnh người nông dân đang canh tác trên cây xoài mà họ sở hữu qua mã QR, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương. Ngoài ra, gia đình ông còn là 1 trong 3 hộ tham gia phát triển Làng du lịch trải nghiệm nông nghiệp của xã từ tháng 7/2022.

Ông Nguyễn Văn Mách kiểm tra sản phẩm trước khi thu hoạch.
Ông Nguyễn Văn Mách kiểm tra sản phẩm trước khi thu hoạch.

Còn ông Huỳnh Văn Trạng, ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, nhận thấy trên địa bàn xã còn có một số hộ dân có nhà ở nhưng chưa bảo đảm lâu bền và một số hộ nghèo, cận nghèo chưa có nhà ở ổn định, năm 2019, ông đã vận động thành lập và làm tổ trưởng Tổ chuyên xây cất nhà cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã, với 16 thành viên tham gia. Tính đến nay, Tổ đã cất được trên 310 căn nhà, trị giá mỗi căn 25 triệu đồng, với tổng trị giá 7,750 tỉ đồng. Nguồn kinh phí do ông vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện đóng góp. Riêng ông và người thân trong gia đình đóng góp trên 1,7 tỉ đồng. Ngoài ra, ông và tổ cất nhà cũng đã tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường, làm hàng rào và trồng hoa trước nhà.

Với diện tích 100 ha, trong đó đất tự có là 30 ha và thuê thêm 70 ha; ông Nguyễn Văn Khanh, ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông đã mạnh dạn sử dụng giống lúa mới để gieo sạ, áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và thuốc sinh học. Mô hình sản xuất lúa giống liên kết với Công ty tiêu thụ và kết hợp nuôi trữ cá trên ruộng lúa hiệu quả đạt 49,67 triệu đồng/ha (cao hơn sản xuất lúa hàng hóa là 28,63 triệu đồng/ha). Hiện mô hình của ông được các hộ dân lân cận tìm hiểu, học tập và làm theo.

Ông Nguyễn Văn Ba, ở xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành; hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ khuyến nông, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng nhãn theo hướng VietGAP, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ An Phú Thuận. Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển giao khoa học, kĩ thuật, công nghệ, ông đã áp dụng vào sản xuất theo quy mô từ thấp đến cao. Từ thực tiễn sản xuất đã góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng thâm canh giúp nông dân, nhà vườn cùng đạt năng suất chất lượng, hiệu quả cao. Đặc biệt ông còn chủ động được lịch thời vụ, né dịch bệnh, né thời tiết khắc nghiệt, trông nhãn mang lại năng suất cao, trúng mùa được giá. Sản xuất kinh doanh mang lại thu nhập cao cho gia đình, ông đã tạo công việc làm, thu nhập ổn đinh cho 17 lao động/năm; giúp đỡ có hiệu quả 25 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kĩ thuật; hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 35 lao động; đóng góp xây dựng nông thôn mới số tiền 7 triệu đồng/năm và 12 ngày công lao động; đóng góp an sinh xã hội: 5 triệu đồng/năm.

Từ năm 2018 đến nay, ông luôn đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Trên đây là một số gương tiêu biểu trên lĩnh vực nông nghiệp và từ thiện xã hội của tỉnh Đồng Tháp. Những tấm gương xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần giúp các địa phương trong tỉnh hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.



Nguồn: Ngày mới Online

Share.

Comments are closed.